Những suy nghĩ sai lầm về du học Canada theo CES
- Chi tiết Được viết ngày 14-10-2017 | Chuyên mục: Góc nhìn Jason | Lượt xem: 6508
Vào giai đoạn từ tháng 4/2016-03/2017, khi CES bắt đầu khởi động, chúng ta thấy rất rõ, visa Canada cực kỳ dễ dàng, không khác gì sung rụng. Vô hình chung, chúng ta tưởng rằng cứ nộp hồ sơ đủ điều kiện theo CES (IELTS, GIC, Khám sức khoẻ, Lý lịch tư pháp số 2 - LLTP số 2) là sẽ có visa. Dẫn tới các bạn học sinh đua nhau nộp du học Canada theo dạng này mà quên mất điều LSQ Cadana cần, đó là khả năng về học thuật của các bạn. Và các bạn quên luôn một câu chuyện muôn thuở, đậu thì thông báo, trượt thì không ai biết và những câu chuyện truyền tai...
Ở mùa thứ nhất của CES, vào khoảng tháng 10/2016 thì phải, tôi có nhận được một bộ hồ sơ bị trượt vì đi theo CES. Lần đầu tiên tôi biết chuyện du học Canada theo CES bị trượt. Tôi có mở hồ sơ, bạn năm nay 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, bạn đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, sau đó về nhà phụ giúp công việc linh tinh ở nhà. Và bạn bị đánh trượt. Nhìn kỹ học bạ thì bạn học lực khá, bảng điểm trên 7.0. Lỗi của bạn được tick hai mục là "purpose of visit" và "current employment situation". Bạn nói là muốn qua đó học và ở với người nhà, agent bảo cứ nộp, kiểu gì cũng có visa. Bài học số 1.
Đến tầm tháng 12/2016, khi tôi đang ở Mỹ chuẩn bị dự một hội thảo thì tôi nhận được một facebook messenger, người thứ 2 trượt CES mà tôi biết chính thức. Bạn đăng ký học khoá postgrad tại 1 trường college tại Vancouver, điểm học cấp 3 thì chỉ khoảng 6.0-6.4 (trung bình từng năm cấp 3). Điểm đại học thì được 6.47. Lần đầu tiên tôi thấy LSQ nhận xét một lá thư từ chối có dòng "not a serious student". Bạn nói rằng agent bảo cứ nộp là có visa, bạn cũng tham khảo trên mạng xã hội, có nhiều nick facebook cũng bảo là điểm kém có 6. mấy mà vẫn có visa. Tôi chỉ khuyên bạn, mỗi hồ sơ mỗi khác, bạn không thể mang hồ sơ của họ áp dụng cho mình, và phía sau nick facebook kia, bạn biết họ là ai? Bạn có thấy hồ sơ của họ không? Bài học số 2.
Vài ngày sau khi đang đi ăn ở Miami, tôi nhận được một inbox trong email, trường hợp thứ 3 trượt CES. Lần này, bạn vừa hoàn thành năm 3 đại học, xin bảo lưu để làm visa du học. Ngành học mà bạn gửi trùng khớp với ngành bạn đang học tại Việt Nam. Câu trả lời vẫn nằm ở Other comment của LSQ, đại ý, không đồng ý việc dừng học giữa chừng và không đồn ý việc bạn bỏ bằng cấp đại học tại VN. Vẫn là một câu nói quen thuộc, agent bảo em cứ nộp là sẽ có visa. Bài học số 3
Người thứ 4 mà tôi biết bị trượt CES, chị này là một trưởng phòng kinh doanh tại một ngân hàng quy mô nhỏ ở Cần Thơ. Chị có bằng đại học, có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, bảng điểm DH của chị là 8.5, IELTS của chị là 6.5. Chị đã có gia đình và 2 con. Chị bị từ chối với lý do : ngành học và bậc học không phù hợp. Thường thì việc học sinh có gia đình, xin visa du học Canada theo CES bị từ chối tôi cũng thấy nhiều, lý do thường là "tài chính", tuy nhiên, với chị thì lý do này hơi "ác". Tôi có hướng dẫn chị nộp lại theo khoá Master và đi theo Chứng minh tài chính thì lại có visa. Bài học số 4.
Tôi có một cô bạn, cũng lớn, sinh năm 84 có gia đình và 2 con, có bằng trung cấp Dược, lần đầu xin visa du học theo chứng minh tài chính bị trượt. Qua gặp tôi, tôi hướng dẫn xin khoá Diploma về pharmacy technician theo CES, trượt tiếp. Lần làm thứ 3, kết hợp cả chứng minh tài chính và CES thì lại có visa. Bài học số 5.
Văn phòng chính của tôi ở Hải Phòng, nên học sinh du học từ đây đông lắm. Tôi có trường hợp trượt CES thứ 6 mà tôi biết. Bạn làm hồ sơ theo CES, bất chợt LSQ Canada về nhà bạn kiểm tra tài chính!!! Và trượt vì lý do "tài chính". Đôi khi có những cái oái oăm mà không ai lường trước được. Nhưng thực ra, không phải không có lý. Bạn lại trình bày khá nhiều về vấn đề tài chính trogn study plan. Ngoài ra, tiện cũng nhắc các bạn đọc kỹ lại CES form, trong đó có đoạn " There are many benefits to applying under CES program, including reduced financial document requirements and faster....". Họ cũng nói rõ, chỉ là "reduce" tức là giảm bớt chứng không phải "miễn" hay "bỏ" hoàn toàn chứng minh tài chính. Và khi bạn muốn kiện, cũng không dễ dàng gì, trừ khi nộp đơn lại, và nộp lại trong trường hợp trên thì chỉ có chứng minh tài chính. Vì vậy, nếu dùng từ "du học Canada không chứng minh tài chính" cho trường hợp CES, bản thân tôi không hoàn toàn đồng ý, thấy sai hoàn toàn, và khiến kết cục của học sinh sẽ bị rẽ đi lối khác. Đó cũng là lý do vì sao, học sinh có gia đình vẫn có người bị yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh tài chính là vậy. Bài học số 6.
Qua một mùa du học Canada theo CES, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học, từ những hồ sơ khác mang lại, và từ cả những hồ sơ tôi đã làm. Đó là những bài học cho bản thân tôi, còn các bạn, những người chuẩn bị du học Canada theo CES, hãy cẩn thận vì không phải "cứ nộp là có visa" nhé.