Canada Express Study (CES) - một góc nhìn khác
- Chi tiết Được viết ngày 08-04-2016 | Chuyên mục: Góc nhìn Jason | Lượt xem: 12570
I. So sánh và thống kê các lỗi thường gặp của các Hồ sơ du học Canada vào 2 thời điểm: 08/10/2014 và 31/12/2015
Trang facebook cá nhân của mình (Jason Pham) vào ngày 8/10/2014 có đăng một bài viết nhằm "Thống kê số lỗi trong 33 bộ hồ sơ re-apply xin visa du học Canada". Trong bài viết đó, Jason có thực hiện thống kê các lỗi phía Lãnh sự quán Canada đã đánh dấu vào 33 bộ hồ sơ trên. Số lỗi xuất hiện nhiều nhất trong 33 bộ hồ sơ trên là "your personal assets and financial status" với 24 lần xuất hiện (tỷ lệ 72%). Tiếp theo sau đó là "purpose of visit" với 23 lần xuất hiện. Kế sau là "have sufficient and available financial resources, without working in Canda, to pay the tuition fess..." với 21 lần. Một số lỗi mà đáng lý ra không nên hoặc chỉ có thể xuất hiện với tần suất thấp như "your current employment situation" thì lại có đến 14 lần góp mặt. Những lỗi còn lại Jason đánh giá là rất đáng tiếc khi nó đã xảy ra như "limited employment prospects in your country of residence" hay "your family ties in Canada and in your country of residence". Những điều này có thể xuất phát từ việc chọn ngành học sai với bậc học trước đó hay như sinh viên đã không khai báo với nhân thân với Lãnh sự quán, hoặc tệ hơn, người thân của sinh viên tại Canada trước kia rơi vào tình trạng bỏ học và kết hôn để ở lại. Bên cạnh đó, lỗi "your personal assets and financial status" thường đi cùng với "have sufficient and available financial resources, without working in Canada, to pay the tuition fess...", điều này cho thấy mối tương quan giữa 2 lỗi này là khá lớn. Trong số 33 bộ hồ sơ, thì có 6 bộ chỉ mắc 1 lỗi duy nhất là "purpose of visit" và 3 bộ mắc 1 lỗi duy nhất là "your current employment situation". Như vậy, các vấn đề về tài chính, mục đích đi học, việc lựa chọn ngành học và quan trọng hơn, tình trạng "your current employment situation" theo Jason thấy có xu hướng ngày càng nhiều. Ngoài ra, chương trình cũng thống kê số bộ hồ sơ bị mắc 1 lỗi chiếm 27.3% ( 6 lỗi của "purpose of visit" và 3 lỗi của "your current employment situation". Tiếp theo sau là số bộ bị 2 lỗi chiếm 21.2%, ngoài ra, số bộ hồ sơ bị 4, 7 và 8 lỗi là ngang nhau (chiếm 15.2% mỗi loại). Như vậy, số bộ hồ sơ mắc trên 1 lỗi chiếm 72.7% (tương đương 24/33 bộ).
Đồ thị số 1: Thống kê các lỗi thường gặp trong các hồ sơ du học Canada bị từ chối vào thời điểm 08/10/2014
Trong một lần làm thống kê về hoạt động kinh doanh năm 2015, Jason có thực hiện thống kê lại một lần nữa về các lỗi của các hồ sơ re-apply mà phía AS IMC nhận được (tổng cộng là 52 hồ sơ). Trong lần này, vấn đề "your personal assets and financial status" xuất hiện chỉ 18 lần, tính ra tỷ lệ này đạt 34%, một tỷ lệ gần như không tưởng với các hồ sơ đi du học tại Canada. Tuy nhiên, có những lỗi gần 2 năm trước có tỷ lệ xuất hiện thấp hoặc không xuất hiện thì nay lại rất cao, cụ thể "length of proposed stay in Canada" xuất hiện đến 25 lần (48%), "your current employment situation" xuất hiện 32 lần (61%). "Purpose of visit" cũng xuất hiện 25 lần (48%).
Đồ thị số 2: Thống kê các lỗi thường gặp trong các hồ sơ du học Canada bị từ chối vào thời điểm 31/12/2015
Nhìn vào Bảng số 1, với các thống kê được in màu đỏ, chúng ta có thể thấy rằng, hầu hết lỗi liên quan đến vấn đề về tài chính đều có xu hướng giảm mạnh, trong khi những lỗi tưởng chừng như vô hại như "length of proposed stay in Canada" lại tăng khá nhanh (màu xanh). Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là gì? Khi chúng ta quá quan tâm đến vấn đề tài chính trong bộ hồ sơ du học, chúng ta đã vô tình bỏ sót những vấn đề khác. "Length of proposed stay in Canada" chỉ ra rằng các khoá học của bạn tại Canada không thể hiện cho Người xét hồ sơ thấy được thời điểm kết thúc khoá học. Điều này chủ yếu sẽ rơi vào các bạn có các khoá tiếng Anh, mà ở đó, không xác định được thời điểm kết thúc. Điều này có thể thấy được trong các Letter of Acceptance của một số trường College không ghi rõ thời điểm kết thúc khoá học mà chỉ là những ước chừng khá chung chung. "Limited employment prospects in your country" cũng tăng khá nhanh. Điều này chủ yếu nằm ở vấn đề chọn ngành học của các bạn sinh viên, và ngành này, sau khi học xong có mang về áp dụng được gì cho đất nước hay không?
Bảng số 1: So sánh tỷ lệ xuất hiện các lỗi khi trượt visa du học Canada tại thời điểm 08/10/2014 và 31/12/2015
Như vậy, thực tế là với các hồ sơ mà Jason nhận được (đã từng bị trượt visa) thì các yếu tố về tài chính đều giảm ở mức đáng kể. Vậy vì sao mọi người đều nghĩ rằng tài chính lại là cái khó nhất trong việc xin visa du học Canada? Có trường hợp, gia đình là một cơ sở kinh doanh cho thuê cây cảnh, cá nhân du học sinh cũng khá lớn tuổi (ở cái tuổi mà "không có chồng thì chắc chắn bị từ chối visa") vậy nhưng điểm tiếng Anh tốt cùng lộ trình học rõ ràng vẫn giúp bạn có visa. Hay như một bạn không có IELTS, kinh tế gia đình bình thường (bố mẹ chỉ làm văn phòng), nhưng học lực 3 năm cao đẳng rất tốt, bạn vẫn có thể có visa. Vậy, vấn đề là gì? Liệu tài chính có phải thứ quyết định tất cả?
II. Canada Express Study (CES) - cứu cánh cho những bạn không có khả năng chứng minh tài chính?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu điều kiện đơn giản để tham gia CES:
- Có IELTS tối thiểu 5.0 và không kỹ năng nào dưới 4.5;
- Đóng toàn bộ học phí của năm đầu tiên tại trường tham gia CES;
- Mua GIC tại Ngân hàng Scotiabank với gía trị $10,000 CAD;
- Đăng ký học tại 1 trường tham gia CES.
Thoạt nghe, điều kiện trên có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên, chúng ta cần nhìn xem, tổng số tiền chúng ta phải bỏ ra vào thời điểm làm hồ sơ là bao nhiêu? Không dưới $21,000 CAD nộp sang Canada. Số tiền có lớn không? Nếu theo tỷ giá 1 CAD = 16.800 VND thì tính ra tiền Việt sẽ là: 352.000.000 đồng. Đối với nhiều người, số tiền này không lớn, nhưng nếu mới một người làm về tài chính như Jason, đây chẳng khác nào giao tiền cho người khác kinh doanh.
Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về việc CES là cứu cánh cho những bạn không có khả năng chứng minh tài chính. Ở đây Jason chia làm 2 thành phần:
1. Có tài chính nhưng không thể chứng minh với Lãnh sự quán: Đây có thể xem là trường hợp điển hình trong xã hội Việt Nam. Rất nhiều tiền nhưng lại không thể chứng minh. Vậy CES chính là cơ hội cho các gia đình này? Chính xác! Tuy nhiên, với những gia đình này, không phải bạn du học sinh nào cũng có IELTS 5.0, hoặc chịu học để có được IELTS 5.0. Hoặc như tâm sự của một bạn học sinh, gia đình em làm ăn kinh doanh có tiền, nhưng ba mẹ em không muốn bỏ một cục tiền ra như vậy, vì tiền làm ăn cần lưu thông.... cũng không phải đơn giản!
2. Gia đình không có tài chính thật sự và chỉ là "liệu cơm gắp mắm" để cho con cái đi du học. Trường hợp này thì liệu các gia đình có thể đủ khả năng chi trả một lúc số tiền như trên? Thật sự là rất khó.
Như vậy, CES liệu có thật sự là cứu cánh?
III. Những điểm hại mà CES có thể mang lại:
Ngày đầu tiên khi Lãnh sự quán Canada thông báo về CES, bản thân Jason chỉ vui mừng một chút rồi lại bắt đầu suy nghĩ khá nhiều về những bất lợi mà nó có thể mang lại. Dưới đây là quan điểm cá nhân của Jason về những bất lợi mà CES sẽ mang lại:
1. Sự hạn chế về việc lựa chọn các trường: Trong danh sách các trường tham gia CES đến thời điểm bài viết hiện tại, hầu như chỉ có các trường cao đẳng và 1 vài trường Đại học nhỏ. Trong khi các trường Đại học lớn và uy tín thì không tham gia vào chương trình này. Có một bạn sinh viên với nguyện vọng được học tại 1 trường Đại học, nhưng vì không chứng minh tài chính được, nên bạn tính cách bỏ ra hơn $20,000 CAD để đi theo CES vào 1 trường Cao đẳng, xong rồi sẽ xin gia hạn Study permit và chuyển sang Đại học vào năm sau. Liệu đây có phải là một sự tính toán thông minh?
2. Ngộ nhận về tỷ lệ visa khi tham gia CES: Như chúng ta đã biết tỷ lệ đạt visa vào các trường Cao đẳng luôn nằm ở mức thấp hơn rất nhiều so với các trường Đại học. Trong khi đó, nguồn thu chính của các trường Cao đẳng lại nằm ở lượng sinh viên quốc tế. Việt Nam là quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Canada khá đông (trong top 15). Tuy nhiên, tỷ lệ visa thành công chỉ đạt hơn 50%, một tỷ lệ rất thấp. Và từ đó, CES ra đời với mong muốn tăng tỷ lệ visa. Các trường Đại học thì họ không mặn mà với điều này, bởi vì...các sinh viên có được admission từ họ thì tỷ lệ visa thường rất cao (không thấp hơn 90%). Vậy, điều thực sự Lãnh sự quán muốn thấy trong bộ hồ sơ du học của bạn là gì? Đó là khả năng học tập thật sự. Rồi đây, khi CES phổ biến, Jason nghĩ rằng, sẽ có những bộ hồ sơ với kết quả học tập thấp, nghỉ nhiều, gap year,...vẫn cố gắng để xin visa và được tư vấn rằng sẽ 100% có visa??!!! Và hậu quả của những bộ hồ sơ kiểu như thế này ra sao, Jason sẽ nói ở dưới.
3. Chi phí bỏ ra ban đầu: Như tính toán ở trên 352 triệu là số tiền tối thiểu phải nộp ban đầu. Và số tiền này có lớn không? Lớn! Lớn lắm. Đóng tiền sang là một chuyện, và khi trượt visa (nếu có) thì đợi refund cũng hơi bị nhiêu khê. Nếu không quan tâm đến vấn đề refund thì với một người làm về tài chính như Jason, điều này cũng khó chấp nhận lắm. Nếu ai cùng chuyên ngành thì sẽ hiểu, đây chẳng khác gì việc sử dụng vốn miễn phí từ các thực thể liên quan phía Canada.
4. Tỷ giá CAD/VND: Tại Việt Nam, chỉ USD được dùng theo kiểu neo tỷ giá, còn lại các đồng tiền khác sẽ được thả nổi. Khi một lượng lớn cầu được đưa ra để mua CAD, tỷ giá sẽ có xu hướng tăng, từ đó sẽ khiến số tiền mà các gia đình du học sinh phải chi ra từ đó tăng theo. Biết đâu một ngày đẹp trời, tỷ giá CAD/VND có thể lên đến 19.000 đồng!
5. Cuộc chơi không đẹp: Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý muốn du học Canada với mục tiêu định cư, Chính phủ Canada trước kia đã đua ra những chương trình tương tự với sinh viên Ấn Độ và Trung Quốc, kết quả là lượng sinh viên Ấn Độ cũng như Trung Quốc tràn ngập tại Canada. Cũng từ đó, nhu cầu đồng CAD tăng nhanh, giúp cho nền kinh tế Canada phát triển nhanh và ổn định. Có nhiều thời điểm CAD còn mạnh hơn cả USD. Tuy nhiên, khi giá dầu trong 2 năm gần nhất giảm mạnh, đồng CAD suy yếu và mất giá khá nhanh, chính phủ Canada bắt đầu tìm cách cứu giá đồng CAD bằng cách tăng cầu CAD, và Việt Nam là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho mục tiêu đấy.
6. Sự chú ý của người xét hồ sơ: Với các hồ sơ đi theo CES, người xét hồ sơ sẽ biết rõ những hồ sơ này phần lớn không thể chứng minh tài chính, do đó, sự chú ý của họ sẽ rất đặc biệt! Và thành hay bại của hồ sơ dạng này, sẽ tập trung vào lộ trình học và kết quả học tập trong quá khứ! Trong trường hợp bình thường, nếu như bạn học kém một chút nhưng tài chính mạnh thì vẫn còn thứ để vớt vát cơ hội visa cho bạn.
7. Lợi dụng sự mập mờ thông tin từ CES: Đã có thời điểm, Jason nghe rằng có một số trung tâm tung tin rằng CES chỉ có số lượng hạn chế, nên đăng ký càng sớm càng tốt, khiến cho một bộ phận các bạn du học sinh không nắm rõ đã bị "lùa" một cách rất nhẹ nhàng. Thêm nữa, đi theo CES, không chắc chắn 100% visa du học cho các bạn. Các bạn có thể đọc các lỗi mà Lãnh sự quán thường đánh dấu ở phần trên.
8. IELTS giả: Điều này không phải không có khi một số bạn du học sinh nói rằng đã có một số trung tâm gạ gẫm làm chứng chỉ IELTS giả. Tội này nặng lắm, cái gì làm giả được chứ IELTS thì xin các bạn đừng làm giả!
9. Tràn ngập du học sinh Việt Nam tại Canada: Sẽ đến một ngày, chắc cũng không xa, 1,5 năm - 2 năm thôi, du học sinh Việt Nam, nhờ CES sẽ tràn ngập Canada...Và thời điểm khi CES kết thúc (dự kiến 18 tháng), Jason cho rằng, sẽ là lúc chính phủ Canada có những điều chỉnh mạnh về chương trình CES, ví dụ yêu cầu nâng điểm IELTS đột biến, hoặc tăng số tiền mua GIC thật cao, chẳng hạn như vậy. Vì nói cho cùng, trong 18 tháng sắp tới, ngoài lượng du học sinh có khả năng thật sự, thì cũng sẽ có khoảng 30-40% sinh viên sử dụng CES để dễ dàng có visa và qua Canada với các mục đích ngoài việc học!
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân về lợi bất cập hại của chương trình CES, có thể sẽ khác quan điểm với các bạn khác.