Du học: Đầu tư tiền tỷ và kết quả nhận được
- Chi tiết Được viết ngày 10-08-2015 | Chuyên mục: Góc nhìn Jason | Lượt xem: 5840
Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển dịch đáng kể từ thời điểm Nhà nước chính thức mở cửa hội nhập kinh tế với thế giới và khu vực vào những năm đầu của thập niên 90. Ngày ấy, gia đình nào có chiếc xe Honda Cub đèn tròn là oai lắm. Lượng sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học theo con đường tự tục không phải nhiều, chủ yếu các bạn sinh viên đi du học theo dạng hợp tác song phương giữa Chính phủ hai nước, học bổng Chính phủ Việt Nam hay có người thân bên đó, sang và sẽ ở lại. Từ sau những năm 2004, 2005, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển "nóng" nhờ các dự án Bất động sản, thị trường chứng khoán, cuộc sống của người dân thay đổi rất nhiều (xét về giá trị vật chất). Cho đến khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2007, nền kinh tế Việt Nam chính thức cất cánh (xét cả về nghĩa đen và nghĩa bóng). Lợi nhuận từ việc gia tăng các giao dịch trên thị trường bất động sản và chứng khoán với nguyên nhân chủ yếu do hiệu ứng đám đông đã giúp nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng. Xét về vấn đề du học, thời điểm bấy giờ, nhà nhà người người mong muốn cho con em đi du học, và điểm đến được lựa chọn là Anh, Úc, Mỹ, Singapore,... Họ chấp nhận đầu tư hàng tỷ đồng cho con cái du học, thậm chí ngay từ những năm còn học phổ thông. Với những quốc gia có chi phí đắt đỏ như Singapore, Úc hay Anh, nếu tính cả tiền học phí và sinh hoạt phí, một bạn du học sinh có thể "ngốn" trên dưới 1 tỷ đồng/ năm. Đấy là đối với những bạn gia đình khá giả, ngoài việc học không phải lo đến gánh nặng kinh tế và được tiêu tiền "trong hạn mức cho phép". Mặt khác, nhiều bạn dù gia đình có điều kiện chu cấp, một năm cũng chỉ tiêu tốn khoảng 300-400 triệu đồng cả học phí và sinh hoạt phí vì các bạn tiêu xài tiết kiệm và còn đi làm thêm. Nhìn chung, thế giới du học sinh cũng có nhiều vấn đề, bao gồm cả mặt tích cực và những tồn tại cần xem xét lại.
Từ quan điểm của Jason, Jason không quan tâm đến việc bạn tiêu hết bao nhiêu tiền cho việc du học (300 triệu, 500 triệu, 1 tỷ hay vài tỷ đồng...). Điều Jason quan tâm là bạn thu lại gì từ những khoản tiền đầu tư đó. Jason xin được chia sẻ vài điều dưới góc nhìn của nhà đầu tư.
Trước tiên, bạn đã đầu tư thì phải có sinh lời, nếu không sinh lời thì không đầu tư. Tuy nhiên, cái lời ở đây nó khác cái lời khi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản hay đầu tư vào một dự án nào đó. Đầu tư cho giáo dục nói chung và du học nói riêng, cái lời bạn nhận lại sẽ là hệ tư tưởng mới, tư duy mới. Thành thật mà nói, mong muốn con cái của mình có một công việc tốt, lương cao, được định cư, có quốc tịch, trong bao nhiêu năm sẽ trả lại tiền cho các bạn hay đơn giản nhất là kiếm được một chàng rể/cô con dâu xứ ngoại cũng hết sức bình thường và tự nhiên của mỗi người làm cha, làm mẹ. Nhưng về bản chất sâu xa Jason cho rằng, ít ai trong số phụ huynh có suy nghĩ du học là để "con trưởng thành, con thay đổi tư duy về cuộc sống, về cách nhìn nhận xã hội, cách tiếp cận và giải quyết một vấn đề...".
Vị hàng xóm của Jason ở Sài Gòn, và cả những người mà Jason biết được khi ở ngoài Hà Nội, Hải Phòng, họ thường nói như thế này: "Con tôi đi du học, học xong mà phải về Việt Nam làm thì đúng là thất bại, nó phải cố ở bên đó kiếm việc rồi định cư, sau này còn lo cho em nó...". Jason không bàn, chuyện đó là đúng hay chưa đúng, hợp lý hay chưa hợp lý. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ suy nghĩ của người Á Đông, tập trung tối đa cho 1 đứa và đứa đó sẽ kéo những đứa còn lại theo. Không bàn đến lối suy nghĩ đấy là đúng hay chưa đúng, hợp lý hay chưa hợp lý, Jason thì thích câu nói của Steve Jobs, đại ý là: "Thời gian của bạn là hạn hữu, vì thế đừng phí nó để sống cuộc sống cho người khác..."
Bên cạnh đó, trở lại vấn đề "Du học: "Đầu tư tiền tỷ và kết quả nhận được". Với mỗi phụ huynh chúng ta, việc cố gắng "cày sâu cuốc bẫm" để có đủ tài chính cho con cái du học, được bước ra thế giới, đã được gọi là thành công. Với các bạn học sinh sinh viên, dù còn bỡ ngỡ, nhưng việc được bơi ra biển lớn cũng mang trong lòng nhiều phấn khích. Tuy nhiên, như Jason nói ở trên, đầu tư giáo dục, đầu tư du học là câu chuyện của nhiều nằm và cần nhiều thời gian. Đã là đầu tư thì không thể tư duy kiểu ăn xổi như các bà nội trợ, hay những nhà đầu tư nhỏ lẻ lên sàn mục đich chỉ để chộp giật vài mã chứng khoán trong vài phiên giao dịch. Kết quả thế nào thì ai cũng rõ.
Trường hợp những gia đình gặp thất bại trong việc du học của con cái, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn ở các bạn trẻ, vì con trẻ như "búp măng non", khi một mình được ra ngoài xã hội, thật sự không thể tránh được điều cám dỗ. Người xưa có câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", phụ huynh chúng ta nên suy nghĩ kỹ càng về quyết định cho con cái đi du học của mình. Chúng ta nên tự trả lời những câu hỏi như: Con mình đã đến lúc cho đi du học chưa? Môi trường nào là phù hợp? Tính tình con mình ra sao? Mình đã biết được ước mơ và sở thích của con mình chưa? Kinh tế gia đình mình sẽ lo được cho con trong bao lâu?... và rất rất nhiều câu hỏi khác chúng ta phải cân nhắc.
Thông thường, tại các trường phổ thông tại nước ngoài luôn có một bộ phận/một cá nhân chuyên thực hiện tư vấn và cho học sinh làm các bài kiểm tra để đánh giá tổng quát, từ đó phát hiện và hướng nghiệp ngành nghề cho các bạn. Việc đánh giá này được thực hiện ở nhiều cấp lớp, chứ không chỉ đợi đến năm cuối cấp. Điều này khác hẳn hoàn toàn với Việt Nam, chúng ta thường chỉ nhận được sự tư vấn rất sơ sài vào năm cuối cấp khi các bạn chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại học. Các gia đình thường chưa được một cá nhân/ một tổ chức uy tín có thể tư vấn hướng nghiệp đúng nghĩa cho sự nghiệp con cái mình.
Một điều nữa là học sinh Việt Nam, do không được tư vấn theo năng lực cụ thể của từng cá nhân, nên thường học theo phong trào, dẫn đến tình trạng "ngồi nhầm" trường hay phải gồng mình cho qua 4 năm Đại học trong khi bản chất vẫn không hiểu rõ nguyện vọng và năng lực bản thân thích làm gì và sẽ làm gì. Hoặc đến khi họ nhận ra thì nhìn lại 4 năm Đại học đã trôi qua thật uổng phí. Ngược lại, với sinh viên nước ngoài, sau 18 tuổi, họ phải tự lập. Họ phải vay tiền để đi học bậc cao hơn, vì vậy họ ý thức được, họ cần học cái gì ra để có thể làm việc kiếm tiền, để trả nợ và nuôi bản thân họ trước, họ không chọn nghề theo xu thế đám đông, họ chọn là vì họ phải kiếm tiền. Do đó, tỷ lệ thật nghiệp ở phương Tây của sinh viên bản địa/sinh viên quốc tế học tại đó từ cấp 3 sau khi ra trường thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Thay cho lời kết, Jason muốn dùng cụm "đầu tư cho sự nghiệp trọn đời" để nói về quyết định đầu tư cho du học của không chỉ gia đình mà là của chính các bạn sinh viên. Thời gian cho kế hoạch đầu tư này có thể dài, 5 năm, 10 năm, hay 15 năm; việc chia ra làm nhiều giai đoạn và có sự liên hệ chặt chẽ với nhau theo sợi dây "học tập – việc làm và xây dựng gia đinh" là vô cùng cần thiết. Với kế hoạch du học định cư, thì càng cần xem xét tỉ mỉ từ việc lựa chọn khóa học, ngành nghề, chọn quốc gia đến du học, thành phố, cơ sở cung cấp giáo dục và ước tính quá trình học, cho đến định hướng việc làm sau khi ra trường, quá trình xin định cư và tạo lập gia đình. Trong suốt quá trình học, mối dây liên hệ gia đình – con cái – nhà trường nên được duy trì ổn định. Nếu chúng ta làm tốt những khâu đó cùng với sự hướng nghiệp rõ ràng, đủ đầy, chính xác, minh bạch và tử tế của những tổ chức uy tín, chúng ta hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi cho tương lai "Du học: Đầu tư tiền tỷ và kết quả nhận được là gì?" ở ngay thời điểm hiện tại.
Jason Pham